Scrolling box

Tưới nhỏ giọt đã giúp cây cà phê sinh trưởng như thế nào?

Dù đang giữa mùa khô nhưng vườn cà phê mười hai năm tuổi của gia đình ông Ama Chương, buôn Kô Tam, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) vẫn xanh tươi rười rượi.
Đó là nhờ mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê đã được triển khai tại vườn nhà Ama Chương hơn hai năm qua.
tuoi nho giot dac lac
Ông Ama Chương (thứ hai từ phải sang) trình bày với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về kỹ thuật canh tác cà phê cho hiệu quả cao.
Mô hình tưới nhỏ giọt này được triển khai từ đầu năm 2010 do Công ty Cà phê Trung Nguyên tài trợ với qui mô 5.000 m2 và 4.000 m2 còn lại trong vườn làm đối chứng. Với mô hình này, nước trước khi dẫn đến cây cà phê đã được “đi” qua một “hệ thống trung tâm” gồm: đồng hồ đo lưu lượng nước dùng để theo dõi lượng nước tưới một cách chính xác, kiểm tra lưu lượng của máy bơm, lưu lượng tưới; đồng hồ đo áp lực nước có nhiệm vụ kiểm tra sự hoạt động của máy bơm, độ sạch của lõi lọc và sự rò rỉ nước trong đường ống; hệ thống lọc nước làm nhiệm vụ loại bỏ những cặn bã, tạo lưu lượng nước ổn định, nước tương đối chất lượng trước khi cung cấp cho cây; van xả khí với mục đích giải phóng những túi khí hình thành trong suốt quá trình tưới được tạo ra do hoạt động của máy bơm, do độ dốc của địa hình hay do đường ống dẫn nước tưới có độ dốc đồng đều nhưng dài quá (500m).
Việc xả những túi khí này ra ngoài giúp hệ thống sau khi khởi động sẽ đạt được sự đồng đều về áp suất với thời gian ngắn nhất, ngăn ngừa được sự chênh lệch áp suất do khoảng chân không tạo ra trong đường ống làm ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của dòng nước. Bộ châm phân là thiết bị châm dinh dưỡng và ống chính, giúp đưa dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ của cây qua dây nhỏ giọt. Hệ thống trung tâm kiểm soát được lượng nước thoát ra trong thời gian nhất định. Hệ thống đường ống tưới tự động được bố trí cách gốc cà phê chừng 70 cm, chôn âm cách mặt đất chừng 5 – 7 cm; mỗi gốc một đoạn ống đi qua có mang theo 10 điểm nhỏ giọt (cách nhau 30 cm/1 điểm).
Mỗi giờ, mỗi gốc cà phê sẽ được cung cấp 28 lít nước. Độ ẩm của đất thường xuyên được kiểm soát bởi đồng hồ đo độ ẩm được cố định trên vườn. Với hệ thống này, lượng nước cung cấp đáp ứng đúng lúc theo nhu cầu của cây, tiết kiệm nước tối đa, hạn chế lượng nước thất thoát không hiệu quả, phù hợp với điều kiện điều tiết nước trong mùa khô Tây Nguyên.
Đặc biệt là “bộ châm phân” sẽ hút phân (đã được hoà nước với liều lượng định sẵn) rồi đưa vào hệ thống đường ống dẫn nước, điều tiết qua hệ thống nhỏ giọt, phân phối đều cho cây từ đầu vườn đến cuối vườn, hệ rễ được hấp thu đầy đủ dinh dưỡng để nuôi cây phù hợp cho từng giai đoạn sinh lý của cây, hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây cà phê.
Đối với cây cà phê, năng suất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thời kỳ nở hoa, mà việc nở hoa cà phê lại phụ thuộc vào thời kỳ tưới, lượng nước tưới, chu kỳ tưới và chất lượng nước tưới… Vì vậy, việc tưới nước để điều khiển sự ra hoa rộ, đồng loạt, tạo điều kiện cho việc thu hoạch tập trung là vấn đề rất quan trọng. Mô hình ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cà phê tại vườn nhà Ama Chương tỏ ra hiệu quả trong điều khiển ra hoa và tăng năng suất cà phê.
Thể hiện rõ nét nhất là năm 2009 khi chưa ứng dụng tưới nhỏ giọt, năng suất chỉ đạt 1,6 tấn/ha, năm 2010 sau khi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước thì năng suất vườn cây tăng lên rõ rệt với 2,6 tấn/ha, đến năm 2011 năng suất tiếp tục tăng đến 4 tấn/ha. Mô hình tưới nhỏ giọt này nếu tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh lượng nước tưới, chu kỳ tưới kết hợp điều chỉnh phân bón và các yếu tố khác… có thể khai thác tiềm năng năng suất cà phê cao hơn.
Theo cách điều tiết nước của ông Ama Chương, sau khi cây cà phê đã phân hóa mầm hoa, lượng nước được cung cấp liên tục 3 ngày, mỗi ngày tưới một giờ vào buổi sáng, những đợt sau cách 4-5 ngày tưới một lần, khoảng hơn 10 ngày kể từ ngày tưới đầu tiên, hoa cà phê đã đồng loạt bung rộ, cả vườn hoa nở trắng xóa. Trong cả mùa khô căn cứ vào độ ẩm trong đất mà điều tiết nước tưới phù hợp.
Hệ thống tưới nhỏ giọt còn hạn chế tối đa sự phát sinh, phát triển và lây lan của tuyến trùng, các chủng nấm và vi khuẩn gây hại cho cà phê vì không làm nước “bắn” tung tóe lên lá, gốc và không gây tràn trên bồn (như tưới dí truyền thống); hạn chế sự phát triển của các loại cỏ dại (vì không tràn lan trên mặt đất), giảm công và kinh phí đầu tư thuốc diệt trừ cỏ dại.
Qua đó hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Ngoài ra, khi bón phân qua hệ thống ống dẫn nước cũng hạn chế đáng kể việc thất thoát phân (do phân đã tan), cà phê được cung cấp lượng phân bón đầy đủ đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây, làm tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm.
Tóm lại, lợi ích thiết thực của hệ thống tưới nhỏ giọt là nhu cầu về nước thấp; hệ thống có thể vận hành thường xuyên; giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường; hạn chế sự xói mòn đất; giảm chi phí vận hành; làm cho độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt ở mức tối ưu cho cây trồng; làm cho vùng rễ tươi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây, phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê, giảm chi phí đầu tư công, phân bón, tăng hiệu quả kinh tế.
Có thể nói, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê là một trong những biện pháp góp phần thúc đẩy chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh, bảo đảm sản lượng cà phê trên địa bàn, góp phần bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế (vì hiện nay diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp đã chiếm một tỷ lệ lớn đối với tổng diện tích cà phê của tỉnh). Vì thế, rất cần có đầu tư đúng mức để triển khai và nhân rộng mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê.
Theo ông Vũ Kiên Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam, đơn vị trực tiếp tư vấn và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt trên cà phê tại Dak Lak, tổng chi phí đầu tư cho mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê là 54 triệu đồng/ha; thời hạn sử dụng tối thiểu là 10 năm, như vậy khấu hao mỗi năm chỉ 5,4 triệu đồng/ha.
Việc tưới nước cho cà phê theo truyền thống cần trung bình 24 – 26 công/ha/năm; nhưng khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm thì giảm được khoảng 70 – 80% công, tương đương 17 – 20 công/ha/năm; giảm được 40% lượng nước tưới/ha, chưa kể tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, mỗi vụ năng suất chỉ cần tăng trung bình 0,3 tấn/ha (sau khi ứng dụng mô hình), với giá cà phê hiện nay thì thu nhập đã tăng lên được 13,8 triệu đồng.
Kết luận: Với nhu cầu nước tưới như hiện nay thì tưới nhỏ giọt cũng đã đáp ứng phần nào cho những nơi thiếu nước mà cây trồng lại cần nước liên tục. Mọi công nghệ đều mang lại cho bà con nông dân sự vượt bậc về kinh tế nông nghiệp.
Share on Google Plus

About Tân Nông Nghiệp

Nhân viên kinh doanh: Chúng tôi mang đến những sản phẩm Nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, vật tư tưới nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng. Hân hạnh được phúc vụ quý khách hàng !
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét