Thứ hạng xuất khẩu không làm nên "miếng cơm" cho nông dân?
Đứng thứ 2 toàn cầu về xuất khẩu cà phê nhưng hiện tại một số tỉnh trồng nhiều như Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông cho thấy đời sống của người dân trồng cà phê còn quá nhiều bấp bênh. Câu chuyện “được mùa mất giá, hoặc được giá mất mùa” vẫn đeo bám bà con. Còn doanh nghiệp thì luôn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Nghịch lý ở đâu? Đến khi nào cà phê Việt mới hết lận đận đây?
Vất vả tưới cà phê? Để chờ giảm giá |
Gỡ rối vùng nguyên liệu
Khi người dân trúng mùa thì thường bị thương lái, đại lý và doanh nghiệp ép giá mua thấp, nên đến khi sản lượng giảm, họ lại “găm hàng” không bán ra. Điệp khúc lặp đi lặp lại này cho thấy mối liên kết chưa chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi cà phê và thiếu sự quan tâm đến lợi ích của các bên.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, thậm chí phá sản, do không có hàng để cung cấp cho đối tác theo hợp đồng đã ký. Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk, nơi chiếm 40% sản lượng cà phê Việt Nam, trong năm 2012 đã có 43 doanh nghiệp cà phê vỡ nợ.
Vì thế, phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp cà phê, dù là doanh nghiệp chế biến thành phẩm hay xuất khẩu cà phê nhân. Trong khi đó, nông dân hiện sở hữu trên 90% diện tích canh tác cà phê cả nước. Để ổn định nguồn cung và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp đang gia tăng liên kết với nông dân bằng nhiều hình thức.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Olam Việt Nam, chẳng hạn, đã hỗ trợ các hộ nông dân phân nửa chi phí cây giống đạt chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp và thường xuyên cử kỹ thuật viên đến từng rẫy cà phê để hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Olam còn đưa ra các giải thưởng nhằm thu hút nông dân canh tác bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… Những hộ đạt chuẩn sẽ được Công ty cam kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 200-300 đồng/kg.
Những nỗ lực này đã giúp Olam chiếm lĩnh vùng nguyên liệu và nâng tỉ lệ cà phê đạt chuẩn lên 15-20% tổng lượng cà phê Công ty thu mua được hằng năm. Hiện nay, Olam thu mua từ 150.000-180.000 tấn cà phê nhân mỗi năm. Không chỉ mua được cà phê chất lượng cao, Olam còn có đầu vào ổn định vì các hộ nông dân được hỗ trợ chỉ bán cà phê cho doanh nghiệp này.
Ngoài Olam, một số doanh nghiệp khác cũng đã liên kết với nông dân trong sản xuất như Nestlé, Dakman, Anh Minh, Simexco, Trung Nguyên. Thế nhưng, nhìn chung, tỉ lệ cà phê đạt tiêu chuẩn 4C hay UTZ chỉ khoảng 22% tổng diện tích cà phê cả nước. Còn lại, hộ nông dân chủ yếu tự canh tác và không tuân theo quy chuẩn nào, mỗi hộ có diện tích trung bình khoảng 2 ha. Không tận dụng được lợi thế kinh tế quy mô trong sản xuất, phương thức canh tác manh mún khiến cho chất lượng đầu ra không đồng nhất.
Cà phê Việt - Hình như không có thương hiệu?
Việc xuất khẩu cà phê nhân không có thương hiệu là một nguyên nhân khác khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn. Giấc mơ tạo dựng thương hiệu toàn cầu của doanh nghiệp cà phê Việt vẫn chưa được hiện thực hóa khi “Việt Nam chưa thực sự có nền công nghiệp cà phê”, như chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận xét.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, có đến 80% lượng cà phê xuất khẩu của Tỉnh không có thương hiệu, chủ yếu chỉ đóng bao bì và xuất cà phê nhân qua trung gian rồi được chế biến và dán nhãn mác của nước khác. Số doanh nghiệp nội địa xuất khẩu cà phê có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay trong đó có Công ty Cà phê Phước An, Công ty Cà phê Thắng Lợi.
Sở dĩ doanh nghiệp chọn hướng xuất khẩu cà phê nhân và không chú trọng đầu tư thương hiệu là do e ngại khi cân nhắc giữa chi phí đầu tư và lợi ích thu được. Một số doanh nghiệp cho biết họ xuất khẩu theo đơn đặt hàng của trung gian nước ngoài miễn có lời so với giá thu mua là được. Theo họ, đầu tư xây dựng thương hiệu rồi sàng lọc, chế biến cà phê mà không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì coi như nắm chắc phá sản.
Theo Hiệp hội Cà phê Thế giới, 10 công ty rang xay thu mua 80% sản lượng cà phê sản xuất ra hằng năm của thế giới. Tuy Brazil và Việt Nam là 2 nước xuất khẩu hàng đầu, nhưng thế giới lại chỉ biết đến các thương hiệu cà phê toàn cầu như Nestlé, Starbucks… Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng các thương hiệu toàn cầu luôn tự khắc được giới truyền thông quan tâm.
Việc McDonald’s hay Starbucks khai trương cửa hàng ở TP.HCM vừa qua là ví dụ điển hình. Chiếc bánh của McDonald’s có thể không khác biệt so với Burger King, Jollibee hay KFC, còn cà phê Starbucks cũng chưa chắc khác biệt so với Givral hay The Coffee Bean & Tea Leaf, nhưng để đáp ứng sự quan tâm về các sản phẩm nổi tiếng thế giới của người dân, vô hình trung giới truyền thông đã tạo ra cơn sốt về nhu cầu được nếm thử sản phẩm của 2 thương hiệu toàn cầu mới gia nhập thị trường Việt Nam này.
Ngoài yếu tố truyền thông, đáp ứng được thị hiếu của thế giới sẽ giúp cà phê Việt Nam xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn. Trong khi Brazil chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica, được thế giới ưa chuộng hơn thì Việt Nam lại chủ yếu trồng Robusta.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện có 126.000 ha cà phê già cỗi cần tái canh. Đây là cơ hội để Việt Nam dịch chuyển theo thị hiếu của thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giống sẽ là một quyết định khó khăn khi cân nhắc giữa lợi ích và chi phí. Bởi lẽ, phải mất đến 5 năm để thu hoạch vụ cà phê Arabica đầu tiên trong khi giá cả lại biến động thường xuyên. Đó là chưa nói đến chi phí ban đầu, một gánh nặng đối với phần lớn nông hộ.
Một trở ngại khác trong chuyển đổi giống từ Arabica sang Robusta là điều kiện thổ nhưỡng và vốn để đầu tư hệ thống chế biến ướt. Arabica chỉ thích hợp với độ cao từ 600-800 m trên mực nước biển, đòi hỏi chế biến tươi trong vòng 24 giờ kể từ lúc hái nhằm đảm bảo chất lượng. Một số nơi phù hợp để trồng Arabica là Krông Năng (Đắk Lắk), Đắk Sông (ĐắK Nông), Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng), Thái Nguyên và Quảng Trị.
Câu chuyện của An Thái Group
Những thách thức trên là rào cản lớn đối với những doanh nghiệp trong nước muốn vươn ra quốc tế. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã chọn phân khúc thị trường mà các thương hiệu toàn cầu đang để trống.
An Thái Group, chẳng hạn, từ năm 2003 đã tìm đường xuất khẩu cà phê hòa tan sang các nước đang phát triển hoặc những thị trường xa xôi như châu Phi. Năm ngoái, An Thái đã xuất khẩu được khoảng 4.000 tấn cà phê hòa tan. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Tổng Giám đốc An Thái, không công bố chi tiết các chỉ tiêu tài chính nhưng có vẻ như triển vọng kinh doanh tốt năm rồi là lý do để Công ty mới thành lập một chi nhánh ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Một gương mặt khác là VinaCafé Biên Hòa (VCF). Không dừng lại ở cà phê hòa tan hay rang xay như những năm trước, doanh nghiệp này đã tung ra thị trường sản phẩm nước tăng lực cà phê với mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nước uống cà phê tại Việt Nam. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014, Phó Tổng Giám đốc VCF Lê Trung Thành công bố doanh thu từ nước tăng lực cà phê cao hơn 36% so với cà phê hòa tan.
Ngoài việc xuất khẩu cà phê hòa tan ở những thị trường ngách hay phát triển sản phẩm có chứa cà phê, đã có doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chất lượng cao và thành công ở những thị trường khó tính. Điển hình là Thắng Lợi. Thông qua đối tác Mitsubishi, cà phê Thắng Lợi đã đặt chân vào Nhật với mức giá cao hơn giá thị trường thế giới khoảng 700 USD/tấn.
Hay Simexco là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có thể bán cà phê trực tiếp cho các nhà rang xay và nhập khẩu nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp khác đa phần bán lại cho doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam với mức giá thấp hơn. Đến nay, Simexco đã bán được 45% tổng sản lượng của Công ty cho các nhà rang xay và nhập khẩu nước ngoài.
Hiện tại, các nhà rang xay lớn trên thế giới đều cam kết gia tăng tỉ lệ cà phê đạt tiêu chuẩn trong tổng lượng cà phê mua từ Việt Nam. Chẳng hạn, Kraft Foods, tập đoàn mua cà phê đạt chứng chỉ RainForest và Fairtrade lớn nhất thế giới, đã cam kết chỉ mua cà phê của Việt Nam nếu 100% sản lượng mua đạt tiêu chuẩn 4C vào năm 2015. Điều này có nghĩa doanh nghiệp Việt phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với nông dân trong khâu trồng trọt, đặc biệt phải hướng đến cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để nông dân bớt nỗi lo "Được mùa, mất giá - Được giá, mất mùa". Cần lắm một chính sách của nhà nước và sự tâm huyết, quan tâm của các doanh nghiệp với thị trường cà phê hiện nay.
Hoàng Vy/ Nhịp cầu đầu tư
0 nhận xét:
Đăng nhận xét