Scrolling box

KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh là một thái độ sống


Bar Gió và Nước (wNw Bar) - Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Bar Gió và Nước (wNw Bar) - Thủ Dầu Một - Bình Dương.

Kiến trúc xanh là cụm từ mà gần đây giới truyền thông nhắc đến quá nhiều. Năm 2012, lần đầu tiên Hội Kiến trúc sư Việt Nam có giải thưởng “Kiến trúc xanh Việt Nam” và dự định sẽ tổ chức định kỳ hằng năm. Tháng 9-2013, hội nghề nghiệp này công bố bản “tiêu chí cho Kiến trúc xanh ở Việt Nam”. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, bản thân kiến trúc truyền thống Việt với nhà ở, đình, chùa đều là những đơn vị “kiến trúc xanh” hoàn hảo, hài hòa với thiên nhiên, được làm từ vật liệu tự nhiên, bền và đẹp. Vậy khái niệm này trở lại với chúng ta có gì mới mẻ, khác biệt so với những gì cha ông chúng ta từng làm? liệu nó có ở lại với ta một cách bền vững hay chỉ là một thứ “thời thượng”?
Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trò chuyện với Võ Trọng Nghĩa - một trong những KTS hàng đầu Việt Nam hiện nay về kiến trúc xanh.
Trước tiên, anh có thể chia sẻ về quá trình làm quen với khái niệm kiến trúc xanh?
Đã đến lúc ta phải nói, kiến trúc tức là kiến trúc xanh. Và kiến trúc xanh chính là thái độ sống.
Ngay từ khi học cao học tại Đại học Tổng hợp Tokyo (niên khóa 2002 - 2004), tôi đã được các giáo sư của Nhật Bản định hướng là phải làm được những công trình kiến trúc phù hợp với từng vùng đất, khí hậu, con người địa phương. Thêm nữa, khi làm luận án tốt nghiệp bậc cao học, tôi chọn đề tài “Khí động học về thông gió”. Nghe qua thì cảm giác nó chẳng gắn gì với kiến trúc nhưng nói vậy để bạn thấy, cá nhân tôi cũng có những quan tâm và suy nghĩ từ lâu rồi về một cuộc sống và những giải pháp sống hài hòa với thiên nhiên. Nhất là về sau này, khi được đọc về giáo lý nhà Phật cũng như tìm hiểu thêm về đời sống, tôi nhận ra, con người ta đã đi ngược lại quy luật tự nhiên quá nhiều. Đó cũng là khởi nguồn cho biết bao bất hạnh mà con người lâu nay phải đối diện hằng ngày, từ vật chất đến tinh thần.
Tôi vẫn tò mò muốn biết, trước cả thời điểm du học, anh đã có những ý niệm nào, dù là sơ khởi, về những công trình kiến trúc tương lai có gì đó gắn liền với thiên nhiên, chứ chưa hẳn là kiến trúc xanh như cách nói hiện nay?
Tôi chỉ giữ những ký ức tuổi thơ khi cùng chúng bạn đi chăn bò, được hưởng gió trời mát rượi dưới tán cây to lớn ngay giữa cánh đồng hay nằm trên các võng rễ cây đan xen nhau trong rừng, bên dưới là khe suối có nước chảy róc rách. Với tôi, đó là những không gian kiến trúc tuyệt tác của tự nhiên. Nhưng khi quyết định đi học kiến trúc, tôi nhớ là mình chỉ mong ước kiếm được nhiều tiền.
Bây giờ, khi đã có trong tay một công ty riêng (đặt cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), hẳn mong ước ấy của anh đã thành hiện thực?
(cười) Bây giờ thì lại ngộ ra, nếu say mê theo đuổi nghề này thì chẳng bao giờ có nhiều tiền. Tôi muốn nói thêm là miền ký ức tuổi thơ gắn chặt với thiên nhiên tuyệt đẹp kể trên luôn được đan cài trong các thiết kế của tôi từ trước đến nay.
Như những điều anh vừa nói, kiến trúc xanh chính là kiến trúc hài hòa với tự nhiên và trở thành giải pháp hữu hiệu giúp con người ta tránh được bất hạnh do thiên nhiên mang lại?
Đó là một trong hàng trăm, hàng nghìn giải pháp thôi nhưng vẫn phải làm. Kiến trúc xanh được đánh giá theo tiêu chí sử dụng và tiêu hao năng lượng. Có thể công trình ấy không xanh theo nghĩa đen nhưng tận dụng được ánh sáng và gió trời để giảm thiểu việc tiêu hao năng lượng nhân tạo thì đó vẫn là một công trình hiệu quả. Bạn thấy đấy, năng lượng tự nhiên không phải là vô tận và sự khai thác quá đà, sử dụng chúng một cách vô độ của con người chẳng phải đang làm thiên nhiên nổi giận đấy ư? Đã đến lúc ta phải nói, kiến trúc tức là kiến trúc xanh. Và kiến trúc xanh chính là thái độ sống.
Nhưng việc sử dụng năng lượng nhân tạo như điện chẳng hạn còn đồng nghĩa với việc sử dụng các thiết bị trong một cuộc sống tiện nghi, sang giàu mà ai cũng hướng tới. Ấy là chưa kể ham muốn tận dụng diện tích đất hết mức có thể để tăng không gian có thể sinh lợi. Cân bằng lại ham muốn đó của khách hàng có khó không, thưa anh?
Tôi mong trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều cái tên khác đại diện cho kiến trúc xanh Việt Nam, đoạt giải thưởng nghề nghiệp quốc tế, xuất hiện trên các tạp chí, sách hàng đầu về kiến trúc thế giới đương đại.
Khách hàng tìm đến công ty của tôi tức là mong muốn có kiến trúc xanh rồi nên hầu như không phải thuyết phục gì nhiều. Còn áp lực hiệu quả trong kinh tế thị trường như là một quy luật kinh tế thì ta cứ thuận theo thôi. Nhưng dù nhà cao tầng thế nào cũng có giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động đến môi trường cho nó. Vấn đề ở đây là sáng tạo của KTS như thế nào thôi.
Anh muốn đẩy câu hỏi này sang phía ý thức về kiến trúc xanh của các đồng nghiệp?
Cái này cũng còn do nhiều vấn đề khách quan, chủ quan và phụ thuộc vào tâm thức của từng người. Nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng, gì thì gì, một KTS cũng phải nhìn lại mình trước tiên. Mình có ý thức về kiến trúc xanh đến đâu, giải pháp là gì và nếu chưa có câu trả lời chính xác thì vẫn có quyền lựa chọn sự từ chối cơ mà. Tôi không thích đổ lỗi sang người khác, trong khi bản thân chưa ý thức được đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của chính mình.
Theo anh, giới KTS ở Việt Nam hiện nay có mức độ quan tâm như thế nào đến kiến trúc xanh?
Kiến trúc xanh giờ không còn là khái niệm mới mẻ mà đã trở thành cái đương nhiên, như việc ta phải thở mỗi ngày vậy. Tôi tin là trong vòng dăm năm tới, sẽ có sự chuyển biến rất lớn trong lĩnh vực kiến trúc xanh cũng như trong các dự án kinh doanh bất động sản. Và các KTS buộc phải thay đổi và sáng tạo với kiến trúc xanh, nếu không muốn khách hàng quay lưng. Chỉ cần xem các quảng cáo về các dự án bất động sản lớn nhỏ, bạn sẽ thấy yếu tố xanh giờ đây chiếm tỷ trọng lớn thế nào. Nhiều khách hàng yêu cầu, với diện tích chỉ vài chục mét vuông thôi nhưng tôi muốn cái nhà nó xanh tất, có yếu tố nước nữa thì càng tốt.
Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.
KTS Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Học viện Kỹ thuật Nagoya, thủ khoa Thạc sĩ Đại học Tokyo và đoạt Giải thưởng Tổng trưởng Đại học Tokyo cho nghiên cứu khoa học, anh về nước mở Công ty Vo Trong Nghia Architects với một số đối tác là các KTS Nhật Bản. Võ Trọng Nghĩa hai lần đoạt Huy chương vàng Kiến trúc châu Á (ARCASIA), giải KTS của năm 2012 (Hội KTS Việt Nam), một trong 10 KTS tiên phong do tạp chí hàng đầu thế giới về kiến trúc Architectural Record (Mỹ) bình chọn năm 2012.
Một số công trình tiêu biểu:
Năm 2012, nhà phố xanh (Stacking green) giành Giải nhất cho hạng mục nhà ở (Festival Kiến trúc thế giới - WAF, Singapore), Giải Green Good Design và Giải thưởng kiến trúc quốc tế (IAA), Mỹ; Trường học ở Bình Dương cũng giành Giải nhất trong hạng mục trường học của WAF; Bamboo Wing giành giải nhất Futurarc Green Leadership (Singapore).
PHONG VÂN (THỰC HIỆN)
Share on Google Plus

About Tân Nông Nghiệp

Nhân viên kinh doanh: Chúng tôi mang đến những sản phẩm Nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, vật tư tưới nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng. Hân hạnh được phúc vụ quý khách hàng !
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét