Quản lý & phát triển kiến trúc xanh tại Trung Quốc | ||
Từ lâu nay, trên thế giới, đã hình thành khái niệm kiến trúc xanh, trong đó có những nguyên tắc về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, vật liệu, hạn chế phát thải ra môi trường cũng như tạo môi trường sống tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên cho con người. Các nguồn năng lượng như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt… là các nguồn năng lượng có thể nói là vô tận và dễ khai thác, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, trong tương lai gần, sau các nguồn năng lượng hoá thạch quen thuộc, các nguồn năng lượng tự nhiên sẽ là đối tượng số 1 chứ không phải năng lượng nhân tạo. Phát triển kiến trúc xanh đã trở thành chiến lược của nhiều nước. Hiện nay, xu thế kiến trúc xanh ngày càng lan rộng, nhưng kiến trúc như thế nào được coi là kiến trúc xanh? Mỗi nước lại có những cách nhìn nhận khác nhau, nhưng nhìn chung đều nhận định rằng kiến trúc xanh là “có khả năng phát triển bền vững, sinh thái, tiêu hao năng lượng ở mức thấp nhất, đồng thời cũng sáng tạo không gian cư trú sinh hoạt thoải mái, thân thiện bảo vệ môi trường”. Ở châu Á, Trung Quốc là nước đi đầu trong việc quản lý và phát triển kiến trúc xanh. Hiện tổng diện tích xây dựng của Trung Quốc vào khoảng 400 tỷ m2, tương lai mỗi năm sẽ xây dựng thêm 20 tỷ m2, cần dùng đến số lượng lớn đất xây dựng. Trong quá trình xây dựng và sử dụng, năng lượng tiêu hao trực tiếp chiếm gần 30% năng lượng tiêu hao trên toàn quốc, cộng thêm 16.7% tiêu hao trong sản xuất vật liệu xây dựng, ước tính chiếm 46.7% năng lượng tiêu hao trên toàn quốc và tỉ lệ này ngày một tăng cao. Nước sử dụng trong xây dựng chiếm đến 80% nguồn nước có thể uống và sử dụng được; thép sử dụng chiếm 30% lượng thép toàn quốc; vữa chiếm 25%. Trong nguồn ô nhiễm môi trường tổng thể, những nguồn ô nhiễm liên quan đến xây dựng như ô nhiễm không khí, ánh sáng, điện từ đã chiếm đến 34%; rác xây dựng chiếm đến 40% tổng lượng rác. Dưới sự phát triển nhanh chóng của thành phố và nông thôn, ngành kiến trúc phải đối mặt với một áp lực môi trường và tài nguyên to lớn. Nguồn năng lượng của tự nhiên là vô cùng to lớn, vượt xa bất cứ một nguồn năng lượng nhân tạo khổng lồ nào. Trung Quốc đã đưa ra quan niệm phát triển khoa học và chiến lược phát triển bền vững rõ ràng, trong đó quy hoạch “11.5” nhấn mạnh xây dựng xã hội theo mô hình môi trường thân thiện, tiết kiệm tài nguyên. Hệ thống pháp quy về kiến trúc xanh ở Trung Quốc gồm: Luật tiết kiệm năng lượng, Luật tái sinh nguồn năng lượng, Phương pháp quản lý nguồn vốn khuyến khích tài chính về cải tạo kỹ thuật tiết kiệm năng lượng... và nhiều văn bản liên quan có ảnh hưởng đến kiến trúc xanh như: Tiêu chuẩn đánh giá kiến trúc xanh, Sổ tay đánh giá kỹ thuật nhà ở sinh thái Trung Quốc, Hệ thống đánh giá kiến trúc xanh Olympic GOBAS, Nguyên tắc hướng dẫn kỹ thuật kiến trúc xanh, Nguyên tắc thi công xanh. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tổ chức nghiên cứu phát triển sản phẩm kỹ thuật trọng điểm phục vụ xây dựng xanh. Định nghĩa kiến trúc xanh trong “Tiêu chuẩn đánh giá kiến trúc xanh” của Trung Quốc như sau: “Là kiến trúc mà trong chu kỳ tuổi thọ của mình có thể tiết kiệm tài nguyên và năng lượng một cách tối đa (tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm đất đai, tiết kiệm nước, tiết kiệm vật liệu), bảo vệ môi trường và giảm bớt ô nhiễm, tạo được cho con người không gian sử dụng hiệu quả cao, thích hợp, lành mạnh có lợi cho sức khỏe, tồn tại hài hòa với tự nhiên”. Kiến trúc xanh bao hàm 4 nội dung: Tổng thể làng Olympic Bắc Kinh: hoàn thành 12/2010 - Đánh giá công trình trong toàn chu kỳ tuổi thọ. Chủ yếu nhấn mạnh đến ý nghĩa về mặt thời gian kiến trúc ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường, quan tâm từ giai đoạn thiết kế quy hoạch khởi đầu đến giai đoạn thi công xây dựng, quản lý vận hành và cuối cùng là tháo dỡ, phá bỏ. - Tiết kiệm tài nguyên một cách lớn nhất, bảo vệ môi trường và giảm bớt ô nhiễm. Tiết kiệm tài nguyên và sử dụng tuần hoàn vật liệu là điểm then chốt, giảm thấp việc thải khí CO2, làm đến mức “lãng phí ít, dùng nhiều”. - Đáp ứng những nhu cầu công năng cơ bản của kiến trúc. Thoả mãn nhu cầu về sử dụng của con người, tạo ra không gian sử dụng “lành mạnh”, “thích hợp” và “hiệu suất cao”. - Tồn tại hài hòa với tự nhiên. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kiến trúc xanh là thực hiện việc thống nhất điều hoà giữa con người, kiến trúc và tự nhiên. Trung Quốc phát triển kiến trúc xanh dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau: - Thứ nhất: Nguyên tắc “tuỳ theo địa điểm, hoàn cảnh mà có sự điều chỉnh sáng tạo hợp lý”. - Thứ hai: Nguyên tắc “Đánh giá phân tích toàn chu kỳ tuổi thọ (LCA)”, chủ yếu nhấn mạnh đến toàn bộ đoạn thời gian cần để đánh giá sự ảnh hưởng của kiến trúc đến tài nguyên và môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường trong và ngoài. - Thứ ba: Nguyên tắc khống chế tổng lượng và “ưu hoá thăng bằng”. Khi theo đuổi chất lượng kiến trúc ưu việt thường phải hy sinh một nguồn lớn tài nguyên và áp lực môi trường, đồng thời dẫn đến việc tăng cao vốn xây dựng. Điểm mấu chốt của kiến trúc xanh là thông qua quy hoạch, thiết kế hợp lý và kỹ thuật kiến trúc tiên tiến để điều hoà mâu thuẫn này, đồng thời tiến hành khống chế tổng lượng - điều này cũng phù hợp với tình hình của Trung Quốc. - Thứ tư: Nguyên tắc “Khống chế toàn quá trình”. Trong mỗi giai đoạn thực hiện, tư tưởng giai đoạn trước (như giai đoạn thiết kế) có khả năng ảnh hưởng quán triệt đến giai đoạn sau (như giai đoạn thi công) hay không, đối với vấn đề thực thi khái niệm kiến trúc xanh có tầm ảnh hưởng rất lớn. Kiến trúc công trình nhà ở "xanh" cho Vận động viên Olympic Bắc Kinh 2012 Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều trong việc nghiên cứu kỹ thuật và thiết kế kiến trúc xanh, hình thành một loạt những dự án khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp quốc gia, nguồn vốn đầu tư nghiên cứu vượt hơn 10 tỷ NDT. Cụ thể: (1) Hệ thống đánh giá công trình xanh và Sổ tay thiết kế và quy hoạch công trình xanh. (2) Hệ thống và cách đánh giá kết cấu của công trình kiến trúc xanh. (3) Vật liệu và thành phần công trình kiến trúc xanh. (4) Công nghệ then chốt trong sử dụng tài nguyên nước bền vững. (5) Công nghệ then chốt trong việc giữ năng lượng của công trình. (6) Công nghệ kiểm soát và cải thiện môi trường bên trong công trình xanh. (7) Công nghệ trồng cây trong công trình xanh. (8) Công nghệ tích hợp trong công trình kiến trúc xanh. Bộ Xây dựng Trung Quốc đã khởi động “Giải thưởng sáng tạo kiến trúc xanh toàn quốc” và đã thu được nhiều kết quả. ThS.KTS Phạm Thúy HiềnNguồn ảnh: Internet Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 3/2013 |
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét